Phong trào văn nghệ ở Hải Đông
Lượt xem: 628
Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Đảng ủy, UBND xã Hải Đông (Hải Hậu) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá.

Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Đảng ủy, UBND xã Hải Đông (Hải Hậu) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá. Hiện trên địa bàn xã có nhiều đội, CLB văn hoá văn nghệ sinh hoạt đa dạng các loại hình: văn nghệ dân gian, thơ, múa sư tử, kèn đồng, trống hội… Hằng năm, xã đều tổ chức các hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ, nhằm phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.


Hiện ở cả 9 xóm trong xã đều thành lập tổ, tốp văn nghệ tập hợp từ 5 đến 10 thành viên, biểu diễn các tiết mục văn nghệ như: hát các ca khúc cách mạng, hát chèo, múa dân gian… Phong trào văn nghệ phát triển mạnh, dưới hình thức hoạt động tại các NVH xóm hoặc các hộ gia đình. Tiêu biểu như các xóm: Nam Châu, Đông Châu, Trung Đông, Nam Giang, Tây Cát… Những tiết mục biểu diễn của các tổ, tốp văn nghệ thường diễn ra vào thời điểm nông nhàn trong các dịp hội hè, đình đám làm rộn ràng cả một vùng quê ven biển, xua tan mệt mỏi của người dân sau những giờ lao động vất vả. Không chỉ phong phú về các ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, hạnh phúc gia đình, các đội văn nghệ còn tự sáng tác lời cho các làn điệu chèo. Có nội dung phê phán thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan. Mặc dù hoạt động tự nguyện theo phương thức xã hội hóa, song các đội văn nghệ vẫn nhận được sự động viên, khích lệ của chính quyền địa phương. Ngoài các đội văn nghệ ở các xóm, hiện xã có 1 CLB văn nghệ với thành viên là các hạt nhân văn nghệ của Hội Phụ nữ, Hội CCB và Đoàn Thanh niên. Tại các chương trình văn nghệ vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3-2), Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động (1-5), Quốc khánh (2-9)…, nội dung các tiết mục đều gắn với việc tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động của CLB văn nghệ xã còn lồng ghép với hoạt động của CLB phụ nữ không sinh con thứ 3; CLB gia đình hạnh phúc; CLB phụ nữ vì sự bình yên tuyến biển, CLB gia đình văn hoá phát triển kinh tế... 

Là địa phương có trên 70% đồng bào theo đạo Thiên chúa, với 2 nhà thờ xứ, 6 nhà thờ họ lẻ, tại các giáo xứ, giáo họ, các đội nhạc kèn nam, nữ được thành lập, hoạt động sôi nổi. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động của 2 đội nhạc kèn nam, nữ ở giáo xứ Xuân Hà và giáo họ Tây Cát; mỗi đội kèn có từ 20-30 người. Tất cả trang phục, nhạc cụ biểu diễn đều được thành viên trong các hội nhạc kèn tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm và nguồn thu từ biểu diễn. Ngoài biểu diễn trong các ngày lễ ở xứ đạo, đội còn tham gia phục vụ nhiệm vụ chính trị với nhiều chương trình hợp xướng kèn đồng đặc sắc. Nghệ thuật múa sư tử ở xã Hải Đông đã có từ lâu. Trải qua nhiều thế hệ gìn giữ và kế thừa, đến nay, đội có 30 thành viên, độ tuổi từ 25-65 tuổi. Nếu như ở các đội múa sư tử chuyên nghiệp, các diễn viên là nam giới thì ở đội, các thành viên là nữ nên khi biểu diễn gặp nhiều khó khăn từ yếu tố sức khoẻ đến kỹ năng biểu diễn. Khắc phục khó khăn, các thành viên trong đội luôn tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, học trên băng đĩa, sách vở… Hiện nay, các thành viên trong đội không chỉ đóng chuyên một vai, mà còn có thể thủ diễn nhiều vai với các bài múa cơ bản như: sư tử bái chào, sư tử vui mừng, sư tử ngủ… đến các bài múa khó kết hợp các thế võ như: Độc chiếm ngao đầu, Song hỷ, Tam tinh, Tứ quý hưng long… Từ công sức gìn giữ và kế thừa của người dân, nhiều năm nay múa sư tử đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá không thể thiếu với người dân trong lễ hội truyền thống như: Chùa Hải Đông, Đền Trần Phú hay các dịp giỗ tổ họ ở các từ đường dòng họ. Tại các dịp lễ hội, trong tiếng thanh la, não bạt, tiếng trống liên hồi, hình ảnh những con sư tử khỏe mạnh, nhanh nhẹn với những bài múa cổ truyền đẹp mắt khiến người xem như hồi tưởng về ý chí kiên cường của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngoài ra, trong các sự kiện văn hoá của địa phương như: Tết Trung thu, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), lễ mừng thọ, khai trương cửa hàng... hay vào dịp Tết Cổ truyền đều có sự góp mặt của đội. 

Những năm qua, từ công tác xã hội hóa, nhiều công trình phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở xã được xây dựng đồng bộ. Xã đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng NVH. Phong trào xây dựng NVH xóm được đông đảo nhân dân trên địa bàn đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng. Từ năm 2007-2009, cả 9 xóm trong xã đã xây dựng được NVH. Trang thiết bị của các NVH khá đầy đủ, gồm: ti vi, đầu đĩa, tăng âm, loa, máy phát điện, tủ sách và sân chơi cầu lông, bóng bàn. Từ khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, các NVH mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần đã đáp ứng nhu cầu hội họp của chi bộ Đảng, các đoàn thể và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ nguồn kinh phí tài trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn xã, hầu hết sân thể thao ở các xóm đều được trang bị hệ thống chiếu sáng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luyện tập, giao lưu, thi đấu thể thao cho nhân dân.

Hoạt động của các đội, CLB văn hoá, văn nghệ ở xã Hải Đông đã đóng góp tích cực cho sự phát triển phong trào văn nghệ ở địa phương, góp phần khơi dậy khả năng sáng tạo nghệ thuật cổ vũ tinh thần cho nhân dân hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội./.

 


Đội múa sư tử xã Hải Đông.



image advertisement

image advertisement
image advertisement








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

    Cơ quan chủ quản: Xã Hải Đông
    Địa chỉ: UBND xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
    Điện thoại: 02283874608
    Email: xahaidong.hhu@namdinh.gov.vn

    Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Minh Dưỡng - Chủ tịch UBND xã

       
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang